Đề xuất phân nhóm doanh nghiệp bất động sản để gỡ khó

14/06/2023

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa đưa ra báo cáo đánh giá thực trạng “sức khỏe” thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, nguồn cung và cầu đều đang trong tình trạng sụt giảm mạnh. 

Nguồn cung bất động sản hiện chỉ bằng 20% so với năm 2018.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân. “Nghèo nàn, kém hấp dẫn, thiếu hụt” là mô tả về thực trạng nguồn cung trong thời gian qua. 

Trong khi đó, thời gian qua, thị trường bất động sản cũng luôn trong trạng thái “thiếu vắng” khách hàng. Nguyên nhân là do: Sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn; lãi suất tiền gửi cao đã thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng; niềm tin vào thị trường bất động sản của khách hàng ngày càng sụt giảm; khó khăn trong việc vay vốn mua bất động sản...

Theo đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu “suy yếu” kể từ đầu năm 2022. Nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài.

Về giải pháp, Hội Môi giới bất động sản đề xuất dựa trên việc “bắt mạch” từng doanh nghiệp, phân nhóm để xử lý. Trong đó, với doanh nghiệp còn lực, cần khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Với doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý, cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm kết nối các chủ đầu tư, kêu gọi đầu tư hoặc thực hiện mua bán - sáp nhập. Với doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc và không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, thực hiện mua lại các dự án, sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc, rồi đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án...

Theo Báo Hà Nội mới

 
chevron_left
chevron_right