Giá trị M&A bất động sản quý I cao nhất 5 năm

31/05/2022

3 tháng đầu năm, giới doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, gần bằng con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018.

Báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield cho thấy tổng lượng giao dịch M&A trên cả nước gần đạt 1 tỷ USD. Dù chỉ được ghi nhận trong một quý, con số này cao hơn khoảng 10% so với cả năm 2019 và chỉ thấp hơn khoảng 10% so với cả năm 2017, 2018 - giai đoạn trước khi đại dịch xuất hiện.

Đóng góp lớn nhất vào tổng giá trị giao dịch này là thương vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) trị giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development cho Viva Land.

Phân khúc văn phòng cũng được ghi nhận chiếm đa số trong các thương vụ đầu năm, với tỷ trọng 58% tổng giá trị giao dịch, theo sau là bất động sản công nghiệp (28%) và nhà ở (13%). Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên các tòa nhà văn phòng được sang nhượng với tổng giá trị lớn như vậy.

Nguồn: Real Capital Analytics, Cushman & Wakefield.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, đánh giá sự nổi lên của thị trường văn phòng trong thời gian gần đây ở Việt Nam đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới. Trong khi đại dịch thúc đẩy làn sóng làm việc tại nhà khắp toàn cầu, các dự án tòa nhà văn phòng ở Việt Nam vẫn được chú trọng đầu tư.

"Lý do là sự thiếu hụt nguồn cung văn phòng ở Việt Nam. Hiện tổng diện tích văn phòng cho thuê ở TP.HCM chỉ bằng một nửa Bangkok, chưa kể đa số là sản phẩm hạng B, C, chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI đang đổ xô đến và mở rộng quy mô hoạt động", bà Trang Bùi lý giải.

Bà cho biết trong quý này, thị trường chỉ ghi nhận nguồn cung mới từ dự án CMC Creative (quận 7) và Pearl 5 (quận 3). Mức hấp thụ thuần trong quý đến chủ yếu từ 2 tòa nhà này. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường đạt 90%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước với giá thuê ổn định ở mức 39,6 USD/m2/tháng, tăng nhẹ so với quý trước.

Đến năm 2025, TP dự kiến có hơn 400.000 m2 sàn văn phòng mới đến từ những dự án nổi bật như Cobi Towers I & II, Techcombank Tower, The Sun Tower, IFC One, Hallmark và The Nexus.

Chia sẻ với Zing, bà Trang Bùi nhấn mạnh với tiềm năng tăng trưởng kinh tế đặt trong bối cảnh nguồn cung văn phòng hạn hẹp, đặc biệt văn phòng hạng A, phân khúc này vẫn sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Rào cản lớn nhất là quỹ đất ở các trung tâm đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội đang ngày càng cạn kiệt.

Xét trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, TP.HCM, Hà Nội và Đồng Nai là những địa phương diễn ra lượng giao dịch M&A có giá trị lớn nhất cả nước. Trong đó, các dự án nhà ở được sang nhượng sôi động tại TP.HCM, Đồng Nai, còn M&A khách sạn tập trung ở Hà Nội, Khánh Hòa và TP.HCM. Riêng bất động sản công nghiệp ở Bắc Ninh, Đồng Nai và Bình Dương được các chủ đầu tư quan tâm nhiều nhất.

Theo Zing News

chevron_left
chevron_right