“Thị trường M&A trong 10 tháng năm 2022 giảm tất cả xuống còn một nửa, cả số thương vụ, quy mô, tổng vốn đầu tư và giá trị. Đây là bước đi xuống của thị trường M&A Việt Nam” – TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam.
Thị trường M&A giảm một nửa so với năm ngoái
Chia sẻ tại buổi họp báo công bố “Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 14 (M&A Vietnam Forum) 2022” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 3/11, đại diện của KPMG cho biết quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.
TS.Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam
Năm 2021 đối mặt với Covid-19, nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất nhưng thị trường M&A vẫn rất sôi động, tất cả đều được làm online nhưng vẫn thực hiện được các deal lớn.
Tuy nhiên năm 2022 tình hình đã khác.
Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).
Dữ liệu này được tính đến hết ngày 31/10, tất nhiên còn những deal cuối tháng 10 họ chưa công bố hết, nhưng cũng có thể từ giờ đến cuối năm sẽ được công bố.
Về tổng số thương vụ, từ gần 700 thương vụ (2021) giảm một nửa xuống còn khoảng 350 (10 tháng năm 2022). “Thời gian 2 tháng còn lại cuối năm 2022, chúng tôi không chờ đợi tình hình tốt lên đến mức tiến độ như năm 2021”- đại diện KPMG cho biết.
Về giá trị trong mỗi thương vụ, 10 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 16,5 triệu USD, giảm gần một nửa từ 31 triệu USD (2021).
Theo TS.Nguyễn Công Ái: “Đây là bước đi xuống của thị trường M&A Việt Nam”.
Lĩnh vực nào thu hút vốn đầu tư năm nay?
Những năm vừa qua có nhiều lĩnh vực thu hút hàng tỷ USD, ví dụ như dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, 2022 vừa rồi không có một thương vụ nào lớn trong lĩnh vực này, “đây là một điều thiệt thòi trong thị trường M&A 2022”- TS.Nguyễn Công Ái chia sẻ.
Nhìn vào số liệu, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam đánh giá thị trường M&A năm nay trầm lắng nhưng chưa rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Dự kiến thị trường trong năm 2023 có thể tốt hơn, do có những thương vụ đã bàn bạc rất lâu rồi, có thể đi đến giai đoạn chốt deal.
Trong thời gian qua, lĩnh vực sôi động nhất là hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là bán lẻ. Có thể thấy rõ trong các thương vụ lớn ví dụ như thương vụ Masan Group mua lại Phúc Long, SK Group mua lại 16,26% của Masan VinCommerce,…
Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản tiếp tục sôi động.
Đối với lĩnh vực năng lượng, đây là lĩnh vực mới nhưng tràn đầy tiềm năng và sắp tới đây có nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.
Qua bảng số liệu, bỏ năm 2021 nền kinh tế tuột dốc vì bệnh dịch, có thể thấy từ năm 2016 đến năm 2020 đang phát triển đi lên, đặc biệt năm 2022 có 19 thương vụ có giá trị lên đến gần 700 triệu USD, trong đó có thương vụ là EDPR Sunseap (Singapore) mua lại toàn bộ các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiên.
Ông Ái cho biết: “Chúng tôi dự báo năng lượng sẽ là lĩnh vực M&A gây sốt trong thời gian tới. Hiện nay có rất nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến điện mặt trời, điện gió và thủy điện”.
Mặt khác, Phó tổng giám đốc PKMG thông tin thêm trong 10 tháng vừa qua, các nhà đầu tư trong nước là các nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường Việt Nam, vượt qua các nhà đầu tư lớn Singapore và các nước khác.
Tuy nhiên, về giá trị tiền thực sự so với những năm trước là thấp hơn, việc dẫn đầu không phải mình hay, mình đầu tư mạnh mà bởi vì các nhà đầu tư khác đều giảm đi. “Về vấn đề Việt Nam có tiếp tục giữ được vị trí đứng đầu trong thực hiện các deal trong thời gian tới hay không, chúng ta cần phải chờ đợi.”
Theo Markettimes.vn